Bất chấp những lời cảnh báo từ phía các nhà khoa học và cơ quan truyền thông tình trạng ô nhiễm của các nguồn nước ngầm ở Hà Nội vẫn không được cải thiện.
Khu vực khoan giếng và sử dụng nước thường chung nhau như thế này khiến nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn (chụp tại khu nhà trọ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã lấy 1.640 mẫu nước từ các giếng khoan hộ gia đình, trường mầm non, trạm y tế và 187 trạm cấp nước tập trung tại 420 xã, thị trấn khu vực ngoại thành.
Qua phân tích, kết hợp với các tài liệu quan trắc cho thấy nguồn nước ngầm bị nhiễm bẩn và đang lan rộng ở nhiều nơi. Tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường lấy 123 mẫu nước ngầm để phân tích, kết quả có 86 mẫu bị nhiễm bẩn, trong đó 4 mẫu có màu lạ, 4 mẫu có độ đục cao gấp 5 lần quy chuẩn cho phép, 28 mẫu có hàm lượng amoni cao gấp 8,33 lần cho phép, 44 mẫu có chỉ số coliforms, cao gấp 2,68 lần cho phép, 3 mẫu có chỉ số ecoli cao gấp 1,3 lần cho phép.
Nhưng kết quả phân tích năm 2012, nhiều chỉ số ô nhiễm đã vượt 7-8 lần như amoni và một số hàm lượng kim loại nặng. Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, trung tâm đã lấy 61 mẫu tại 3 xã có tới 35 mẫu bị nhiễm bẩn, trong đó có 25 mẫu có hàm lượng amoni cao gấp 8,3 lần quy chuẩn cho phép.
Mới đây, hàng trăm hộ dân thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm phát hiện ra nguồn nước sinh hoạt sử dụng trong nhiều năm nay bị nhiễm chất thạch tín (asen) vượt gấp 43 lần mức cho phép...
Theo số liệu nghiên cứu của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) về phân bố asen trong đất và nước tại Hà Nội, khoảng 1/4 số hộ gia đình sử dụng trực tiếp nước ngầm không xử lý ở khu vực ngoại thành bị ô nhiễm nặng, trong đó nước có chứa asen, tập trung tại các huyện Thanh Trì, Gia Lâm.
Một kết quả quan trắc khác của Trung tâm Quan trắc và dự báo tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cũng khẳng định, mực nước ngầm tại Hà Nội đang suy giảm mạnh, chất lượng nước ở nhiều nơi không đạt quy chuẩn. Nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng nhất là vùng gần lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, cụm công nghiệp, làng nghề và vùng Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thanh Oai, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Thanh Trì, Từ Liêm...
Theo PGS - TS Trần Hồng Côn, Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học (Khoa hóa, Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội), nguồn nước ngầm trên địa bàn thành phố đang bị nhiễm asen với mức độ không đồng đều, có nơi nhiễm nặng, có nơi ít hơn mức cho phép.
Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm tại Hà Nội hiện nay còn bất cập. Việc quản lý các giếng khoan nhỏ lẻ vẫn chưa rõ ràng. Phần lớn giếng khoan của hộ gia đình theo dạng khoan tự do, chưa xin phép khai thác, sử dụng.
Bên cạnh đó, ý thức sử dụng, bảo vệ nguồn nước ngầm của một bộ phận không nhỏ người dân còn kém. Không những tùy tiện trong khai thác sử dụng còn gây ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề thủ công.
Nguồn lực đầu tư cho các chương trình truyền thông còn hạn hẹp. Mỗi năm, từ nguồn ngân sách và các chương trình mục tiêu, Hà Nội chỉ mở được khoảng 40-50 lớp tập huấn. Về chất lượng các lớp này cũng rất khó đánh giá.
Trước tình trạng thiếu nước sạch ngày càng trầm trọng ở nhiều địa phương, trong những năm qua, thành phố đã đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước tập trung phục vụ nhu cầu của người dân khu vực ngoại thành.
Thế nhưng, không ít công trình chưa phát huy hiệu quả, do đầu tư dở dang hoặc thiếu đồng bộ, gây lãng phí. Để giải "bài toán" này, UBND TP Hà Nội giao cho Sở NN&PTNT quy hoạch mạng lưới nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012- 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời triển khai đầu tư 6 trạm cấp nước liên xã, hỗ trợ 40.000 thiết bị lọc nước hộ gia đình.
Trong khi chờ các chương trình, dự án thì những bức xúc về ô nhiễm nguồn nước cần sớm được giải quyết... Một trong những giải pháp cấp bách là đưa ra các khuyến nghị, cảnh báo về mức độ ô nhiễm thông qua bộ chỉ số lấy mẫu, xét nghiệm, phân tích chất lượng nguồn nước để người dân lựa chọn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh như nước mưa, nước chứa trong bình. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức trong khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ sinh hoạt.